Người dân Thủ Đức chờ ‘bước nhảy’ hậu quy hoạch chung

Sau khi quy hoạch chung TP.Thủ Đức được phê duyệt, người dân tại các dự án treo, quy hoạch treo đang chờ những động thái mới để sớm thoát cảnh sống khổ.

NHỮNG DỰ ÁN KÉO DÀI

Đầu tháng 3.2025, lối vào đường số 4 (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn bụi mù mịt, hai bên cỏ mọc um tùm. Khu vực này được Kiến trúc sư trưởng TP.HCM phê duyệt quy hoạch làm khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu rộng hơn 41 ha từ năm 2002, nhưng đến nay chưa thực hiện. Lần gần nhất người dân ở đây thấy dự án (DA) rục rịch là vào cuối năm 2016 khi có đơn vị tư vấn đến cắm mốc ranh chiếm dụng.

Người dân Thủ Đức chờ 'bước nhảy' hậu quy hoạch chung - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Tâm (hơn 60 tuổi, nhà ở KP.8, P.Hiệp Bình Chánh) cho biết do DA treo kéo dài, mương thoát nước bị bít lại nên khu vực gia đình sinh sống thường bị ngập khi mưa lớn, chờ 3 – 4 ngày, thậm chí 1 tuần sau nước mới rút hết. Về xây dựng, dù được cấp giấy phép xây dựng tạm nhưng người dân lo ngại khi nhà nước triển khai DA sẽ không bồi thường nên nhiều hộ chỉ dám sửa lại với quy mô nhỏ theo hiện trạng, như nhà ông Tâm chỉ xây tường gạch, lợp mái tôn để ở tạm.

Khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu chỉ là một trong số rất nhiều DA treo ở TP.Thủ Đức. Ngay sát ga Bình Triệu là DA mở rộng QL13 cũng có từ hơn 20 năm trước nhưng chỉ nằm trên giấy, dù được xác định là DA trọng điểm, kết nối với Bình Dương. Một số DA quy mô lớn có thể kể như Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, khu Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn còn bồi thường đang dang dở. Nhiều DA giao thông được người dân trông chờ như mở rộng đường Lương Định Của, mở rộng xa lộ Hà Nội, đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2… liên tục lùi ngày hoàn thành.

Liên quan DA đường song hành từ đường Mai Chí Thọ đến Vành đai 2, mới đây lãnh đạo UBND TP.HCM đã có văn bản nhắc nhở Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức do chưa nghiêm túc thực hiện chỉ đạo dẫn đến chậm tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). DA này khởi công tháng 4.2017, dự kiến hoàn thành trong 24 tháng nhưng mới khánh thành đoạn 1 dài hơn 3,2 km (từ đường Mai Chí Thọ đến đường Đỗ Xuân Hợp), đoạn còn lại từ Đỗ Xuân Hợp đến đường Vành đai 2 dài gần 700 m chưa xong. UBND TP.HCM giao chủ đầu tư khẩn trương làm việc với TP.Thủ Đức đảm bảo hoàn thành bồi thường, GPMB trong quý 2/2025.

Advertisement

Sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung TP.Thủ Đức, những người như ông Tâm nói trên chỉ muốn chính quyền địa phương công bố quy hoạch cũ có bị xóa hay không, họ được tách thửa, xây dựng nhà cửa như thế nào… Họ cũng hy vọng nhiều DA hạ tầng sớm hoàn thiện để thoát cảnh kẹt xe, ngập nước.

TP.Thủ Đức phải chủ động

Tại hội nghị công bố Đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức hồi đầu tháng 2.2025, địa phương này giới thiệu 535 DA với tổng vốn dự kiến 800.000 tỉ đồng để nhà đầu tư tìm hiểu.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết nhiều nhà đầu tư đang rất trông chờ các bước cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung. Hiện TP.Thủ Đức được giao nhiều thẩm quyền về quy hoạch, đầu tư theo Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Người dân Thủ Đức chờ 'bước nhảy' hậu quy hoạch chung - Ảnh 2.

Cụ thể, UBND TP.Thủ Đức có toàn quyền về tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết 1/500. Về đầu tư, các DA đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách của nhà đầu tư trong nước thì TP.Thủ Đức được quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và các bước khác. Tương tự, các DA đầu tư công cũng do UBND TP.Thủ Đức thẩm định, phê duyệt.

“TP.Thủ Đức phải cụ thể hóa ngay vào quy hoạch phân khu, bởi nếu không điều chỉnh quy hoạch phân khu cho phù hợp thì sẽ tiếp tục vướng mắc, không thể kêu gọi DA đầu tư được”, ông Cường cho biết. Trong quy hoạch phân khu, lãnh đạo TP.HCM lưu ý cần chú trọng các DA trọng điểm như Công viên Lịch sử văn hóa dân tộc, Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, khu dân cư Phước Long… Ngoài ra, TP.Thủ Đức cần tìm kiếm ý tưởng quy hoạch thông qua cuộc thi quốc tế để tối ưu hóa sử dụng nguồn lực đất đai.

Về đầu tư, ông Bùi Xuân Cường đề nghị TP.Thủ Đức lập tổ chuyên trách để tháo gỡ vướng mắc về chấp thuận chủ trương đầu tư, hoặc gia hạn, điều chỉnh chủ trương đầu tư, đồng hành với nhà đầu tư hỗ trợ về quy hoạch, nghĩa vụ tài chính, pháp lý đất đai, tránh tình trạng để nhà đầu tư tự bơi. Ông cũng cho rằng việc kêu gọi đầu tư cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết, ưu tiên một số khu vực trọng điểm và tránh dàn trải. Sắp tới, UBND TP.HCM tiếp tục phân cấp ủy quyền mạnh hơn nữa về quy hoạch, thủ tục đầu tư để sớm hiện thực hóa các đồ án quy hoạch.